Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

"Thần Kiếm" Cổ Long - Tiểu thuyết kiếm hiệp chuyển thể thành phim

Tháng 12, "Thần kiếm" - bộ phim kiếm hiệp dựa trên nguyên tác của nhà văn Cổ Long - ra mắt khán giả châu Á. Sau bao năm, điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa vơi nguồn cảm hứng với Cổ Long.



Thần kiếm được chuyển thể từ tiểu thuyết Tam Thiếu Gia đích kiếm, xuất bản năm 1975. Theo thống kê, đây là bộ phim điện ảnh thứ 24 dựa trên các tác phẩm của Cổ Long. Nếu xét tới truyền hình, số lượng phim bắt nguồn từ truyện Cổ Long là nhiều vô số kể. Trên thực tế, Tam Thiếu Gia đích kiếm hoàn toàn không phải là một danh tác của Cổ Long.

 Ông viết cuốn sách này vào giai đoạn thoái trào của sự nghiệp, khi cả sức lực và sự sáng tạo đã cạn kiệt. Nếu chỉ bằng Tam Thiếu Gia đích kiếm hay các tác phẩm tầm tầm khác, Cổ Long chắc chắn không thể từ một nhà văn viết thuê vô danh bỗng vụt sáng trở thành tác gia tiểu thuyết võ hiệp lừng lẫy đất Đài Loan, danh tiếng sánh ngang hai bậc tiền bối Kim Dung và Lương Vũ Sinh.

 Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa, sinh năm 1938 ở Hong Kong và cùng gia đình chuyển đến Đài Loan vào năm 1952. Cha mẹ ly dị, thời thơ ấu của Cổ Long đầy sóng gió. Với số tiền tiết kiệm được từ công việc bán thời gian và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Cổ Long được học tại khoa Anh văn trường đại học Đạm Giang. Ông yêu văn học từ nhỏ và 19 tuổi đã có tác phẩm đăng báo. 


Cuộc đời - sự nghiệp như ngôi sao băng


 Thời kỳ đó, tiểu thuyết võ hiệp rất thịnh hành ở Đài Loan. Cổ Long chập chững viết thuê cho ba tác gia võ hiệp nổi tiếng Đài Loan là Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân và Tư Mã Linh. Năm 1960, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay là Thương khung thần kiếm. Từ năm 1960 đến 1965, Cổ Long viết 17 cuốn sách nhưng còn loay hoay, chất lượng các tác phẩm khá thấp.

 Trong phụ lục cuốn Thiết huyết đại kỳ, Cổ Long thú nhận: “Vẫn phải cần cơm, cần rượu, cần bạn gái, cần đi xe, cần nhà ở, cần xem phim… Thế là chỉ cần có thể viết được một cái gì đó là vội vàng đem đi đổi lấy tiền… Vì cần tiền cơm mà viết. Đó không phải là nỗi buồn chung của các tác giả, nhưng là nỗi buồn của tôi”.

 Tác phẩm Võ lâm ngoại sử sáng tác năm 1966 là bước ngoặt trong sự nghiệp của Cổ Long. Với cuốn tiểu thuyết này, ông tạo ra hình tượng lãng tử, đồng thời không chạy theo mô thức truyền kỳ cũ kỹ của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, mà vận dụng những mô típ của tiểu thuyết trinh thám và huyền ảo. Và tám năm tiếp theo là thời kỳ đỉnh cao của Cổ Long.


 Ở giai đoạn này, ông sáng tác Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm, Tiêu Thập Nhất Lang, Lưu tinh. Hồ Điệp. Kiếm, Hoan lạc anh hùng, Thiên nhai. Minh nguyệt. Đao, Đại nhân vật, Cửu nguyệt phi ưng… Cũng cần phải kể đến những tập đầu của Sở Lưu Hương truyền kỳ, Thất chủng vũ khí và Lục Tiểu Phụng. Với các tác phẩm độc đáo, mới mẻ, Cổ Long từ một nhà văn vô danh đã vượt qua bộ ba Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân và Tư Mã Linh để trở thành “võ lâm minh chủ” đất Đài Loan. Danh tiếng của ông ngày càng vươn xa, giúp ông sánh ngang với hai tông sư tiểu thuyết võ hiệp Hong Kong là Kim Dung và Lương Vũ Sinh.

 Tuy nhiên, sau Tiêu Thập Nhất Lang Cổ Long bắt đầu rơi vào quá trình suy thoái. Các tác phẩm sau đó của ông trở nên nhạt nhẽo, lặp lại chính mình. Theo cuốn Võ hiệp ngũ đại gia của nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Trần Mặc (NXB Trẻ - 2003), tửu sắc quá độ là một nguyên nhân quan trọng khiến Cổ Long đánh mất khí lực và sức sáng tạo dù chưa bước sang tuổi 40.

 Tháng 8/1985, Cổ Long qua đời ở tuổi 48. Ông cả đời mê rượu, hầu hết các nhân vật do ông sáng tạo ra đều là phường tửu sắc, nên tại lễ tang bạn bè mang tới tổng cộng 48 chai rượu đặt bên quan tài ông. Nhà văn Kiều Kỳ viết đôi liễn: “Tiểu Lý phi đao thành tuyệt hưởng, nhân gian bất kiến Sở Lưu Hương” (Tiểu Lý phi đao lời đã dứt, người đời chẳng thấy Sở Lưu Hương).

 “Ánh sáng của sao băng tuy ngắn ngủi, nhưng trên bầu trời có vì sao nào sánh nổi sự xán lạn huy hoàng của sao băng?” Cổ Long đã viết như thế ở trang đầu Lưu tinh. Hồ điệp. Kiếm. Phải chăng ông viết về bản thân mình? Ông cũng như một ngôi sao băng, bay ngang bầu trời võ hiệp Đài Loan, che mờ các vì sao khác, nhưng nhanh chóng tắt lịm.

Nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp


 Giới phê bình cho biết Cổ Long ban đầu mô phỏng Kim Dung và Lương Vũ Sinh, nhưng sau đó học tập và chịu ảnh hưởng từ phong cách của các tác gia văn học phương Tây như Earnest Hemingway, Jack London, John Steinbeck hay Friedrich Nietzcsche.

 Trong lời tựa Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm, Cổ Long nhắc đến Chiến tranh và hòa bình, Sân bay quốc tế, Người đàn bà bé nhỏ, Ông già và biển cả… “Những tác gia vĩ đại ấy… đã khắc họa nhân tính một cách sâu sắc, khiến độc giả xúc động tận đáy lòng… Những câu chuyện như thế, những cách viết như thế, tiểu thuyết võ hiệp cũng có thể dùng”, ông khẳng định.

 Một nguyên nhân là theo Trần Mặc, Cổ Long không mấy am hiểu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, do đó không thể viết các tác phẩm đồ sộ chứa đựng cả lịch sử, văn hóa và các quan điểm triết học - nhân sinh như Kim Dung hay Lương Vũ Sinh. Cổ Long phải tự đi tìm một con đường mới. Đó là Tây hóa.

 Nhờ đó, các tác phẩm của Cổ Long ở thời kỳ đỉnh cao hoàn toàn khác biệt so với Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông tiếp thu hình thức câu văn và đoạn văn ngắn gọn của tiểu thuyết phương Tây, khám phá chiều sâu tâm lý của nhân vật, áp dụng mô típ trinh thám - gián điệp… Ở những cuốn tiểu thuyết đặc sắc nhất của Cổ Long, người ta thấy bóng dáng của Điệp viên 007, của phim cao bồi Mỹ hay của cuốn Bố già.

 Sự khác biệt lớn nhất là các nhân vật của Cổ Long hoàn toàn không phải là hiệp khách kiểu truyện võ hiệp truyền thống Trung Quốc, mà là những lãng tử thân thế bí ẩn, nội tâm cô độc, không chấp nhận khuôn khổ và sự ràng buộc cứng nhắc. Họ rất kỳ lạ nhưng cũng rất đời, có điểm tốt, có tính xấu, gần gũi và quen thuộc, có máu thịt chứ không phải là những nhân vật công thức hóa, một căn bệnh chung của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc.


 Ví dụ như A Phi, nhân vật chính của Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm (chứ không phải là Tiểu Lý phi đao Lý Tầm Hoan) chẳng phải là hiệp khách thế thiên hành đạo, mà xuất hiện trên giang hồ chỉ vì mục đích cầu danh. Từ một kẻ lạnh lùng, A Phi nhờ tình bạn mà trở nên ấm áp, rồi vì tình yêu trở nên mù quáng, trượt tới bờ vực của sự tầm thường, nhưng kịp tỉnh ngộ đúng lúc.

 Cách Cổ Long thể hiện võ công cũng rất khác biệt so với Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông không chú trọng mô tả chiêu thức phức tạp như hai tiền bối, mà sáng tạo ra chiêu thức độc đáo Tiểu Lý phi đao chưa hề sai đích. Không ai thấy Lý Tầm Hoan xuất chiêu như thế nào, mũi đao đã cắm vào yết hầu kẻ địch. Tương tự, kiếm pháp của A Phi nhanh, chuẩn và độc như điện chớp.

 Các trận chiến trong tiểu thuyết Cổ Long được viết rất hấp dẫn, cũng không liệt kê chiêu thức mà tả hoàn cảnh, không khí khẩn trương căng thẳng, đem lại hiệu quả thị giác sinh động. Những cuộc đối đầu giữa Lý Tầm Hoan và Quách Tùng Dương trong Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm hay Sở Lưu Hương với Thạch Quan Âm trong Sở Lưu Hương truyền kỳ là vô cùng đặc sắc.

Nhưng chỉ xếp thứ ba

 Người đọc tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc thường so sánh thứ bậc các tác gia, và tất nhiên Kim Dung luôn là “võ lâm minh chủ”. Sự tranh cãi quyết liệt luôn nổ ra giữa phe hâm mộ Lương Vũ Sinh và phe yêu quý Cổ Long. Và không bên nào chịu nhường bên nào.

 Các nhà phê bình đánh giá tiểu thuyết Cổ Long là những tác phẩm viết nhanh, đăng liên tục trên báo nên bộ nào cũng có khiếm khuyết. Theo nhận định chung, Cổ Long viết tổng cộng 69 bộ nhưng chỉ có 25 bộ đạt chuẩn, còn lại là tầm thường. Trong 25 bộ đạt chuẩn chỉ có khoảng 12 bộ từ hay đến xuất sắc, trong đó có Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm, Tam thiếu gia đích kiếm ( Thần Kiếm -Sword Master), Hoan lạc anh hùng, Đại nhân vật, Thiên nhai. Minh nguyệt. Đao….

 Nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc cho rằng một vấn đề của tiểu thuyết Cổ Long là từng phần nhỏ rất chặt chẽ và tinh tế, nhưng tổng thể tác phẩm lại rời rạc. Ví dụ kết cấu của Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm có khiếm khuyết rất lớn. Câu chuyện về bí ẩn của Mai Hoa Đạo vẫn còn dở dang, chưa được giải quyết thấu đáo thì tác giả đã nhanh nhảu chuyển sang cuộc đối đầu của Lý Tầm Hoan và A Phi với Kim Tiền bang.

 “Con người Cổ Long rất giống nhân vật Lệnh Hồ Xung dưới ngòi bút Kim Dung, học được Độc cô cửu kiếm thần kỳ, sử dụng rất linh hoạt nhưng nội lực không thâm hậu… Nếu tiểu thuyết Kim Dung càng dài càng hay thì tiểu thuyết Cổ Long càng dài càng rời rạc”, Trần Mặc nhận định như thế trong cuốn Võ hiệp ngũ đại gia.

 Cuối cùng, Cổ Long dù là nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp nhưng không thể vượt qua chính mình. Như Kim Dung không ngừng sáng tạo, các tác phẩm và nhân vật luôn có sự chuyển biến, không hề lặp lại chính mình. Sự chuyển đổi từ bậc đại hiệp chính khí lẫm lẫm Quách Tĩnh (Xạ điêu anh hùng truyện) đến gã lưu manh gian xảo Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký) thể hiện rõ điều đó.


 Ngược lại, Cổ Long sau khi tạo ra mô hình tiểu thuyết võ hiệp mới với Võ lâm ngoại sử đã không còn đổi mới, các nhân vật chủ yếu xoay quanh hai loại, một là phong lưu phóng đãng, tự do tự tại, hai là mặt lạnh tim nóng, thân thế bí ẩn, tính tình kỳ lạ… Các nhân vật Lý Tầm Hoan, A Phi, Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng, Dương Phàm…đều nằm trong khuôn khổ này.

 Rốt cuộc, theo các nhà phê bình, vì những hạn chế của mình nên Cổ Long chỉ có thể xếp thứ ba trên văn đàn tiểu thuyết võ hiệp, sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Cổ Long không thể như nhân vật Lý Tầm Hoan, từ vị trí “thám hoa” vượt qua Thượng Quan Kim Hồng và Thiên Cơ Lão Nhân để trở thành đệ nhất thiên hạ.

 Dù vậy, với những người yêu tiểu thuyết võ hiệp, Cổ Long vẫn luôn là tác giả không thể bỏ qua. Bộ phim Thần Kiếm - Sword Master sẽ ra mắt vào tháng 12 tới đây...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét