Những năm đầu thế kỷ 17, người Mãn Châu lên ngôi thống trị đất nước Trung Hoa và lập nên triều đại nhà Thanh. Các cuộc nổi dậy của phong trào yêu nước phản Thanh diễn ra liên tục khiến vương triều mới thành lập phải ban bố lệnh cấm hoàn toàn việc luyện tập và sử dụng võ thuật để tiến tới ổn định và thâu tóm quyền lực tối đa. Phong Hỏa Liên Thành, một viên tướng của triều nhà Minh trước đó, nhận thấy chiến dịch đàn áp này là một cơ hội béo bở để trục lợi cá nhân. Tham lam, độc ác và bất nhân, hắn vừa đàn áp vừa vơ vét của cải, tàn phá khắp vùng Tây Bắc Trung Hoa và đang trên đường tiến tới tiêu diệt mục tiêu cuối cùng - thành lũy mang tên Làng Võ thuật (Võ Trang).
Phó Thanh Chủ, một đao phủ của triều đại trước đó, cảm nhận được sự tàn bạo trong chính sách này và đã quyết định tìm cách cứu Võ Trang. Ông thuyết phục Vũ Nguyên Anh và Hàn Chí Bang trong cùng làng võ thuật đi cầu cứu Đại võ sư trên núi Thiên sơn. Đại võ sư đồng ý giúp đỡ và cử 4 đệ tử giỏi nhất của mình đi theo. Cùng với Sở Chiêu Nam, Dương Vân Thông, Mục Lang và Tân Long Tử, cuộc phiêu lưu trượng nghĩa của họ bắt đầu. Họ được biết đến như Thất Kiếm - những tay kiếm tượng trưng cho khí chất anh hùng và tài năng tột bậc.
Khi về đến Làng Võ thuật, họ quyết định phải dời làng đi nơi khác an toàn hơn. Nhưng do có nội gián nên mọi đường đi của họ đều bại lộ. Nhiệm vụ của Thất Kiếm lúc này càng thêm khó khăn vì phải tìm ra kẻ gián điệp trước khi quân của Phong Hỏa Liên Thành đến nơi, nếu không toàn bộ dân làng Võ Trang sẽ bị tiêu diệt. Giữa lúc mọi chuyện đang rối bời và căng thẳng mang tính sống còn, một cuộc tình tay ba nảy nở...
Bộ phim được quay tại vùng núi Tân Cương hùng vĩ và sa mạc Gobi Ngoài dàn diễn viên trên, bộ phim còn có sự tham gia rất nhiều tên tuổi khác của phim võ thuật như Eddie Wong từng đảm nhận trang trí ngoại cảnh và trang phục của phim Ngọa hổ tàng long và chỉ đạo võ thuật nổi tiếng Lau Kar Leung.
7 thanh kiếm mà nhóm Thất kiếm sử dụng trong phim do chính Từ Khắc thiết kế. Bởi mỗi thanh kiếm đều có một số phận, tác dụng và huyền thoại khác nhau nên Từ Khắc đã tốn rất nhiều công sức để tạo ra 7 hình ảnh thật đẹp và độc lập với nhau. Mỗi thanh kiếm có một tên gọi riêng gợi nhớ đặc điểm của chúng cũng như chủ nhân. Đã có một trường quay cho Thất kiếm được dựng lên ở Tân Cương và dự tính sẽ trở thành khu du lịch sau khi bộ phim được trình chiếu.
Đạo diễn Từ Khắc thường được bạn bè trong nghề gọi vui là "Steven Spielberg của châu Á", bởi những gì ông đã đóng góp cho điện ảnh Trung Quốc và Hong Kong. Cho đến lúc này, ông đã sản xuất 54 bộ phim và đạo diễn 31 phim. Qua đó, Từ Khắc đã góp phần tạo ra rất nhiều ngôi sao điện ảnh như Châu Nhuận Phát, Lý Liên Kiệt... Thế nhưng, ít ai biết ông sinh ra ở VN. Đến 14 tuổi ông cùng gia đình đến Hong Kong, sống ở đây 3 năm rồi lại chuyển tiếp tới Mỹ. Sau 8 năm học điện ảnh ở Mỹ, ông trở về Hong Kong và làm đạo diễn cho hãng truyền hình TVB. Tiêu biểu nhất trong thời gian làm ở TVB của ông chính là bộ phim truyền hình dài 52 tập Gold dagger Romance. Sau thời gian thành công rực rỡ tại TVB, Từ Khắc quyết định tách ra thành lập công ty mang tên Film Workshop.
Bộ phim chiếu rạp 2020 này đánh dấu sự trở lại của Từ Khắc sau một thời gian dài vắng bóng. Bộ phim này ông là đạo diễn, biên kịch, kiêm nhà sản xuất. Từ Khắc đã cùng lúc thực hiện song song hai phiên bản điện ảnh và truyền hình từ một tiểu thuyết. Phim điện ảnh được rút gọn thành Thất kiếm còn phim truyền hình giữ nguyên tên gốc là Thất kiếm hạ thiên sơn. Tuy nhiên, hai kịch bản này hoàn toàn độc lập với nhau, từ tính cách nhân vật đến trang phục không gian và xuất thân. Thậm chí có những nhân vật là nam ở truyền hình mà sang điện ảnh lại thành nữ như Võ Nguyên Anh chẳng hạn. Đạo diễn Từ Khắc còn cho rằng tiểu thuyết Thất kiếm hạ thiên sơn hấp dẫn đến nỗi ông vẫn chưa nói hết được cái hay của truyện trong hai bộ phim.
Trong Thất kiếm, đạo diễn Từ Khắc muốn thay đổi quan điểm của khán giả về các nhân vật anh hùng, ông cố gắng "nhân tính hóa" họ. Từ Khắc từng nói về Thất Kiếm: "Anh hùng cũng phải trả giá và đối mặt với vô vàn thử thách. Anh ta có thể cắt đứt các mối quan hệ và chịu mọi hậu quả cho những hành động của mình. Thông điệp tôi muốn truyền tải trong bộ phim này là, mọi cuộc xung đột, dù lớn hay nhỏ, đều có thể giải quyết được bằng cách hòa giải".
Không sử dụng kỹ xảo trong những màn võ thuật hấp dẫn, Thất Kiếm Hạ Thiên Sơn mang đậm chất nhân văn qua cách làm phim mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng thấm đẫm phương Đông của đạo diễn Từ Khắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét