Các ngôi sao võ thuật từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường điện ảnh Hoa ngữ. Tuy nhiên, sự suy tàn của dòng phim võ học, rào cản tuổi tác khiến danh tiếng của họ hạ nhiệt.
Lý Liên Kiệt, Thành Long, Hồng Kim Bảo, Chân Tử Đan... là những biểu tượng ngạo nghễ, những ông hoàng của dòng phim võ thuật Trung Quốc với danh tiếng lừng lẫy khắp châu lục. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, họ chỉ còn là cái bóng của thời quá khứ khi vị thế vẫn còn đó, nhưng tiếng tăm chẳng bì được ngày xưa.
Khán giả vẫn nhớ khoảnh khắc thay vì đóng phim, Lý Liên Kiệt lại rơi nước mắt khi ngồi ghế giám khảo game show truyền hình. Ông nói không còn nhiều nhiệt huyết với phim ảnh. Đáng tiếc, ông lại dành thời gian cho những buổi quay show. Gần đây, Lý Liên Kiệt xuất hiện nhiều hơn. Nhưng là tại các sự kiện xa hoa, buổi livestream quảng cáo.
Ông vẫn lộ diện nhưng... không còn là một ông vua võ thuật.
Dòng phim võ thuật bị bão hòa
Khởi nguyên cho sự phát triển của dòng phim võ thuật là ở Hong Kong vào những năm 1970 gắn liền với tên tuổi của huyền thoại Lý Tiểu Long qua hàng loạt bộ phim ăn khách như Tinh Võ môn, Long tranh hổ đấu, Mãnh Long quá giang, Trò chơi tử thần…
Thời điểm đó, cái tên Lý Tiểu Long đã trở thành siêu sao Kung Fu đẳng cấp thế giới và giúp cho dòng phim võ thuật nổi danh ở thị trường điện ảnh Hoa ngữ, châu Á cũng như bắt đầu chạm ngõ kinh đô điện ảnh Hollywood.
20 năm sau kể từ ngày huyền thoại họ Lý đặt viên gạch đầu tiên, dòng phim võ thuật truyền thống Trung Hoa chính thức bước vào thời kỳ hoàng kim với sự phổ biến rộng rãi của võ học Trung Quốc.
Sau Lý Tiểu Long, những ngôi sao võ thuật vừa giỏi diễn, vừa giỏi võ liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh. Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như Thành Long, Nguyên Hoa, Nguyên Bưu, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo, Triệu Văn Trác… Trong các cao thủ màn bạc nói trên, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Thành Long không chỉ nổi tiếng tại Trung Quốc mà còn vươn tầm ngôi sao võ thuật quốc tế.
Thập niên 2000, điện ảnh Hoa ngữ được dịp “nở mày nở mặt” khi tác phẩm Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An đại náo giải Oscar. Bộ phim nhận được 4 giải trong số 10 đề cử tượng vàng. Kể từ đó, đề tài võ thuật trở thành mỏ vàng của giới làm phim Trung Quốc.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những thập kỷ trước. Kể từ sau năm 2010, dòng phim này đang chết dần ở thị trường điện ảnh Trung Quốc. Hàng năm nhà sản xuất tại đất nước tỷ dân đều cho ra rạp ít nhất một tác phẩm lấy chủ đề võ học Trung Hoa làm cốt lỗi.
Thế nhưng, việc một thể loại quen thuộc liên tục được “xào nấu” đến lần thứ bao nhiêu không rõ, khiến khán giả bội thực. Bằng chứng là doanh thu phòng vé của dòng phim võ thuật nhiều năm qua luôn ở trong tình trạng ế ẩm, ảm đảm.
Năm 2015, tác phẩm Thích khách Nhiếp Ẩn Nương từng càn quét lễ trao giải Giải thưởng điện ảnh châu Á, giành 8 giải trong tổng số 9 đề cử. Được giới chuyên môn đánh giá cao, song thực tế bộ phim đạt doanh thu phòng vé vỏn vẹn 9 triệu USD. Tác phẩm gần đây nhất là Bất Nhị Thần Thám của Lý Liên Kiệt cũng chỉ thu về 46,5 USD. Trong khi đó, chi phí sản xuất ban đầu là hơn 1 triệu USD.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng nói: "Võ thuật là một cái khung, tùy ý ta trang trí thế nào cũng được". Tuy nhiên, việc làm đi làm lại một thể loại đồng nghĩa phải sáng tạo cái mới.
Khi ván bài đã lật ngửa, người xem hơn chục năm qua đã thấm nhuần với các mô típ kịch bản trong dòng phim võ thuật, thì việc tạo ra một công thức mới hợp thời cho thể loại này không phải là chuyện dễ với các nhà sản xuất.
"Phải nhìn nhận một điều rằng dòng phim võ thuật hiện nay không còn sức hấp dẫn với giới trẻ. Xã hội biến đổi từng giây, phim võ thuật cũng không thể bất biến giữa dòng đời. Nhưng việc tìm ra chiêu thức võ công mới, sáng tạo nên những kịch bản đặc sắc sao cho vừa hợp thời, vừa giữ được tinh thần Kung Fu thuần túy giống như việc đốt đuốc đi tìm", Sina bình luận.
Công thần đến tuổi "về hưu"
Chục năm trước, khi nói về các cao thủ vừa có vị thế trên màn bạc vừa có tên tuổi trong làng giải trí Hoa ngữ, Thành Long, Lý Liên Kiệt, Hồng Kim Bảo, Triệu Văn Trác... được đánh giá là không có đối thủ. Nhưng giờ đây, họ đã đều ở độ tuổi bên kia sườn dốc, rời xa giai đoạn hoàng kim.
Một thời khán giả châu Á từng mê đắm trước vẻ ngoài tuấn lãng, quân tử và các chiêu thức võ thuật "tựa nước chảy mây trôi" của Lý Liên Kiệt hay ấn tượng trước ngoại hình to béo, nhưng lại đánh ra các thế võ đẹp mắt, mãnh mẽ, nhanh như chớp của "đại ca" Hồng Kim Bảo. Họ hồi hộp, nghẹt thở với những cảnh quay hành động liều mạng, nguy hiểm của Thành Long.
Tuy nhiên, thời gian đã lu mờ tất cả. Người Trung Quốc hiện tại vẫn biết đến các ngôi sao võ thuật nói trên, song thần tượng trong lòng họ lại là những cái tên ở thời đại mới, trẻ trung hơn.
Nhiều năm qua, các tin tức về Lý Liên Kiệt, Hồng Kim Bảo đều xoay quanh chủ đề bệnh tật, sức khỏe suy giảm. Thành Long ở tuổi 65 vẫn được công chúng yêu mến gọi với danh xưng "Vua Fung Fu quốc dân", vẫn có tiếng nói nhất định trong giới, nhưng giá trị và sức hút không còn được như xưa.
Bằng chứng là tài tử Hong Kong đã có một năm 2019 khó quên khi 2 tác phẩm Đại chiến âm dương và Bí ẩn con dấu rồng: Hành trình đến Trung Quốc thất bại thảm hại trên đường đua phòng vé với doanh thu lần lượt là 20 triệu USD (kinh phí 49 triệu USD) và 3 triệu USD (kinh phí hơn 50 triệu USD).
“Những ông hoàng võ thuật nức tiếng một thời đã ở bên kia sườn dốc. Họ dành nửa đời người để cống hiến và viết lên những mốc son vàng cho dòng phim võ thuật Trung Hoa. Tình yêu vẫn còn, nhưng khi sức suy, lực kiệt cùng với đó sự áp đảo của thế hệ nghệ sĩ trẻ, dù muốn hay không họ cũng đành nhường ánh hào quang cho đàn em, rồi nghĩ đến viễn cảnh hết thời”, Sina bình luận.
Mỏi mòn tìm lớp đàn em kế cận
Những năm qua màn ảnh Trung Quốc vẫn loay hoay tìm kiếm trong vô vọng, những tên tuổi sẽ thay thế Thành Long, Lý Liên Kiệt thổi bùng ngọn lửa giúp dòng phim võ thuật hồi sinh trở lại.
Một vài cái tên xuất hiện vẫn chưa đủ tầm thay thế thế hệ công thần. Có chăng, trong đóm lửa le lói, Chân Tử Đan, Ngô Kinh trở thành hy vọng vàng của màn ảnh Hoa ngữ ở thời điểm các đàn anh đã không còn phong độ như xưa.
Về phía Chân Tử Đan, loạt series Diệp Vấn mang lại thành công cho nam diễn viên. Nhờ tác phẩm này anh trở thành sao võ thuật tiếng tăm Trung Quốc và thế giới. Thế nhưng, chính tài tử Hong Kong cũng cho thấy sự lao dốc của dòng phim võ thuật khi nơm nướp nỗi lo cái danh Diệp Vấn không còn đủ sức kéo chân khán giả. Và buộc phải tạo ra tranh cãi với việc mang tên tuổi Lý Tiểu Long vào phần 4 của tác phẩm để thu hút công chúng.
Ngô Kinh được đánh giá là diễn viên thực lực của dòng phim võ thuật, nhưng cũng phải đợi đến Chiến lang 2, Lưu lạc địa cầu anh mới thực sự trở thành một cái tên đáng gờm của làng điện ảnh Hoa ngữ.
Dẫu vượt mặt các đàn anh đạt nhiều thành tích về doanh thu cũng như giải thưởng trong vài năm trở lại đây, song để vượt qua Thành Long, Lý Liên Kiệt trở thành biểu tượng mới của dòng phim võ thuật, Ngô Kinh còn một chặng đường chông gai, khó đi phía trước.
Các tác phẩm của nam diễn viên được nhận xét hợp thời, mang lại sự đặc sắc riêng biệt cho màn ảnh Trung Quốc, nhưng không phải võ học Trung Hoa thuần túy. Đơn cử là Chiến lang 2, bộ phim được gắn mác võ thuật - hành động, tuy nhiên hình ảnh động lại trong khán giả lại là những trận chiến khốc liệt với xe tăng, máy bay và các vũ khí quân dụng tối tân.
Trong khi đó, cái tên nổi bật được đánh giá cao về tài năng võ thuật (phim hanh dong vo thuat 2020) như Bành Vu Yến, Trương Tấn, Ngũ Doãn Long... gần như mất hút trên màn ảnh.
“Ai sẽ là người nối gót, kế thừa tinh hoa võ học của đàn anh đi trước. Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngõ. Hiện tại, các sao trẻ chẳng ai mặn mà theo đuổi việc trở thành siêu sao võ thuật. Phim Kung Fu cũng dần đi theo hướng thần tượng hóa, sử dụng thế thân, kỹ xảo trong các pha đánh đấm để đánh lừa khán giả", QQ nhận định.
"Chính người trong cuộc là Thành Long, Hồng Kim Bảo còn buông lời chua chát thừa nhận dòng phim này đã suy tàn, diễn viên mang tiếng sao võ thuật khó phất lên trong giới cũng đủ để chứng minh phim võ thuật oanh tạc một thời nay còn đâu”, QQ viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét