Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

‘Zero Dark Thirty’ tái hiện cuộc truy lùng Bin Laden

 Tác phẩm nói về chiến dịch vây bắt lớn nhất lịch sử thực sự là một bộ phim để đời của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và minh tinh Jessica Chastain.

Hồi tháng 5/2011, nước Mỹ ăn mừng sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt sau gần 10 năm kể từ vụ 11/9 còn cả thế giới đều hướng về sự kiện chấn động này. Khi ấy, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow, người đại thắng tại Oscar 2010 với bộ phim The Hurt Locker, đã ấp ủ từ lâu việc thực hiện một tác phẩm nói về chiến dịch truy bắt thủ lĩnh al-Qaeda và sau sự kiện trên, bà đã thay đổi một số chi tiết trong dự án ban đầu của mình - từ cốt truyện giả tưởng trở thành hiện thực. Bà và một số thành viên trong đoàn phim có cơ hội tiếp cận với những thông tin tuyệt mật của chính phủ để kể lại câu chuyện này trên màn bạc, với tên gọi Zero Dark Thirty.

Với kinh phí 40 triệu USD và lời giới thiệu “câu chuyện về cuộc truy tìm người đàn ông nguy hiểm nhất trong lịch sử thế giới”, phim xoay quanh nhân vật chính là Maya (Jessica Chastain), một nữ chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Cô đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch truy kích trùm Al-Qaeda. Maya đã truy tìm dấu vết của Bin Laden trong một thập kỷ từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 khiến cả nước Mỹ chìm trong đau thương. Cô không từ bỏ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất và không quản ngại đến những nơi nguy hiểm để tìm cho ra kẻ thù của nước Mỹ…

Hôm 24/2, Zero Dark Thirty chiến thắng Oscar ở hạng mục “Dựng âm thanh xuất sắc” một cách thuyết phục. Nữ đạo diễn Kathryn Bigelow dẫn dắt khán giả bước vào câu chuyện vĩ đại này không phải bằng hình ảnh, mà là âm thanh. Phim mở đầu với những tạp âm sót lại từ vụ 11/9/2001. Tiếng gọi điện thoại, những lời trăn trối cuối cùng, tiếng khóc, tiếng kêu cứu, tiếng động cơ, tiếng đổ nát… khiến người xem như mường tượng lại hình ảnh hai tòa Tháp Đôi New York - niềm tự hào một thời của nước Mỹ - sụp đổ và làm thiệt mạng hơn 3.000 người vô tội.

Trong suốt chiều dài 157 phút, Kathryn Bigelow sử dụng cách kể giả tài liệu, “đánh” trực diện vào những chi tiết quan trọng trong chiến dịch vây bắt Osama Bin Laden của CIA qua điểm nhìn của nhân vật Maya. Một số ít chi tiết là hư cấu trong đó Maya cũng không phải là một nhân vật có thật nhưng phần lớn Zero Dark Thirty đều dựa trên những sự kiện từng xảy ra sau 11/9 như đánh bom khách sạn Marriot ở Pakistan, đánh bom xe buýt ở London (Anh) hay 7 điệp viên CIA thiệt mạng ở trại Chapman…

Ngôn ngữ điện ảnh mà nữ đạo diễn 61 tuổi sử dụng trong Zero Dark Thirty rất gọn gàng, dễ nắm bắt. Phần quay phim, hình ảnh cũng tạo cảm giác dễ chịu hơn The Hurt Locker ngày trước. Kathryn cũng biết cách làm sao để một bộ phim chính trị bớt đi sự khô khan. Zero Dark Thirty thoại khá nhiều và liên tục. Nhưng khi nhịp phim đang có vẻ thẳng và đều đều thì đột ngột, một vụ đánh bom đủ làm người xem phải giật nảy mình và nín thở theo dõi tiếp câu chuyện. Khi phim được đẩy lên trạng thái căng thẳng cao, không khí cũng được giãn ra bởi những câu thoại hài hước kiểu như “Tôi là con mẹ đã tìm ra nơi này” (Maya nói với Giám đốc CIA) hay vụ mua bán xe hơi Lamborghini lúc nửa đêm ở Kuwait.

Tuy nhiên, màu sắc chung của Zero Dark Thirty vẫn là u tối, căng thẳng và có thể đó chính là lý do mà tác phẩm này khó có thể giành Oscar cho “Phim hay nhất”. Viện hàn lâm thường vẫn thích những bộ phim mang màu sắc lạc quan, tươi sáng hơn dù cho câu chuyện có tăm tối đến thế nào đi chăng nữa. Cùng là đề tài chính trị nhưng trong Argo, Ben Affleck thổi vào sự tưng tửng, hài hước. Còn ở Zero Dark Thirty, Kathryn lại thể hiện yếu tố chính trị, tâm lý dữ dội hơn. Bà từng tâm sự: “Tôi ước bộ phim này không phải là một phần của lịch sử. Nhưng câu chuyện này đã và đang là lịch sử”.

Tên phim, Zero Dark Thirty, mang ý nghĩa là “30 phút sau nửa đêm”. Đây là một thuật ngữ quân sự ám chỉ bóng tối của màn đêm, cũng là thời điểm 0 giờ 30 phút khi nhóm hải quân SEAL đặt bước chân đầu tiên vào khu vực biệt lập để vây bắt Osama Bin Laden. Trường đoạn này trong phim thể hiện rất kịch tính, nghẹt thở. Nó cũng cho thấy tài năng của Kathryn Bigelow, dù là phụ nữ nhưng bà làm phim chiến tranh thực sự “ác chiến”. Nhưng điều đó không có nghĩa là bộ phim này hoàn toàn “nam tính”. Zero Dark Thirty vẫn rất “nữ tính”, thể hiện ở việc xây dựng nữ chuyên viên Maya - một nhân vật hư cấu.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Maya được CIA chiêu mộ về và trong hơn 10 năm, cô chỉ tập trung nghiên cứu để tìm ra tung tích Osama Bin Laden. Đằng sau vẻ ngoài tưởng như yếu mềm và non nớt, bên trong Maya lại là một người phụ nữ dữ dội, luôn đấu tranh tới cùng và không bao giờ từ bỏ mục đích của mình. Maya còn cho thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh mạnh mẽ của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow – người làm nên lịch sử điện ảnh khi trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử điện ảnh giành giải Oscar ở hạng mục đạo diễn.

Maya cũng xứng đáng là vai diễn để đời của Jessica Chastain. Sở hữu ngoại hình hoàn hảo cho hình tượng một nữ đặc vụ CIA mạnh mẽ nên dường như cô không phải quá lên gân hay gồng mình khi diễn xuất. Jessica Chastain dẫn dắt người xem qua sự biến chuyển tâm lý của Maya đầy thuyết phục, từ sự cương quyết bảo vệ luận điểm về nơi ẩn náu của Bin Laden cho tới những lúc tưởng như buông xuôi khi mọi việc đi vào bế tắc… Hình ảnh dòng nước mắt lăn dài trên má của nhân vật Maya để lại nhiều dấu ấn và sự xúc động. Một phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân vì công việc và khi tất cả qua đi chỉ còn lại sự trống trải. Đây chính là cảnh quay làm nên sự nữ tính, yếu mềm cho Zero Dark Thirty.

Khi xem bộ phim này, có thể có người tin, có người không tin vào câu chuyện truy bắt trùm khủng bố al-Qaeda mà Kathryn Bigelow và các cộng sự của mình đã kể lại. Tuy nhiên, xét trên phương diện một bộ phim thì Zero Dark Thirty là một tác phẩm tuyệt vời, đầy cảm xúc và là dấu ấn cá tính nhất của nữ đạo diễn 61 tuổi lẫn nữ diễn viên Jessica Chastain.

Mặc dù vậy, đây có thể ví von là “phim trí tuệ”, đòi hỏi người xem cũng phải vận dụng những kiến thức, sự hiểu biết xã hội khi thưởng thức. Với khán giả vốn quen theo dõi những bom tấn giải trí có tiết tấu nhanh, cảnh quay hoành tráng cháy nổ liên tục và chưa kịp nghĩ gì mà mọi thứ đã hiện lên hết trên màn ảnh thì sẽ khó để “cảm” được bộ phim này. Nhưng với những ai quan tâm tới điện ảnh và mong muốn được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao thì Zero Dark Thirty là một bộ phim hoàn toàn xứng đáng, thậm chí khi xem xong sẽ có khá nhiều người nhận định rằng tác phẩm này đáng được nhận Oscar “Phim hay nhất” hơn cả Argo của Ben Affleck.

Zero Dark Thirty (30’ sau nửa đêm) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 1/3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét